Xả tang là gì? Bao lâu được xả tang? Xả tang sớm được không?

Tang lễ là một nghi thức để tiễn đưa người mất về nơi an nghỉ cuối cùng, đồng thời  cũng là nghi lễ để người thân trong gia đình bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đến người đã khuất. Sau một thời gian để tang, người trong gia đình sẽ tiến hành xả tang. Vậy, xả tang là gì? Xả tang cần làm gì? Và có nên xả tang sớm hay không? Tất cả sẽ được giải đáp trong nội dung dưới đây.

Xả tang là gì?

Xả tang (hay còn được gọi là mãn tang) là nghi lễ được tổ chức nhằm thông báo hết thời gian để tang của gia đình với người đã khuất. Nghi thức này được xem là một nét văn hóa lâu đời của người Việt với ý nghĩa thương nhớ, tưởng niệm người đã khuất, mong muốn họ được yên nghỉ và phù trợ con cháu, hậu duệ sau này.

Ngay sau khi người thân trong gia đình mất, người còn sống sẽ tổ chức nghi thức lễ tang, bày tỏ sự đau buồn, thương tiếc hoặc tỏ lòng hiếu kính với người đã khuất. Thời điểm tang lễ diễn ra, người ta sẽ gọi là phát tang.

Khi người thân mất, người trong gia đình sẽ để tang. Thời điểm bắt đầu nghi lễ được gọi là phát tang
Khi người thân mất, người trong gia đình sẽ để tang. Thời điểm bắt đầu nghi lễ được gọi là phát tang

Sau khi nghi lễ phát tang hoàn tất, người còn sống sẽ thực hiện nhiệm vụ và bổn phận với người đã mất như thờ cúng, thắp hương, bố thí, thực hiện di nguyện trước lúc lâm chung của người mất,… Trong thời gian này, người ta gọi là để tang. Sau một thời gian nhất định, quá trình để tang kết thúc thì người ta sẽ tiến hành nghi lễ mãn tang.

Bao lâu được xả tang?

Lễ xả tang là nghi thức có thời hạn và được diễn ra khi nhiệm vụ và bổn phận để tang cho người mất đã hoàn tất. Theo phong tục, con cháu sẽ để tang cho ông bà, cha mẹ ít nhất là hai năm. Tức là, qua ngày lễ giỗ đại tường, con cháu mới được phép xả tang. Trong thời gian này, con cháu không được phép cưới hỏi vì đây là điều không tốt theo quan niệm dân gian, tín ngưỡng.

Bao lâu thì được xả tang?
Bao lâu thì được xả tang?

Tuy nhiên, thời gian xả tang không cố định mà sẽ tùy vào mối quan hệ giữa người mất và người còn sống. Tùy vào mối quan hệ gần hay xa giữa người mất và người còn sống mà người ta sẽ ấn định thời gian để tang, được gọi là đại tang hoặc tiểu tang:

  • Đại tang: Thời gian xả tang là sau 2,5 năm kể từ thời điểm phát tang (khoảng 27 tháng). Đại tang thường diễn ra khi người trong gia đình để tang tứ thân phụ mẫu (ông bà, cha mẹ) và vợ chồng.
  • Tiểu tang: Thời gian xả tang là sau vài tháng hoặc một năm kể từ thời điểm phát tang. Tiểu tang thường diễn ra khi người trong gia đình để tang anh chị em ruột và họ hàng nội ngoại.

Xả tang sớm có được không?

Ngày nay, do công việc học hành, làm ăn, cưới hỏi và nếp sống phương Tây du nhập vào nên vấn đề để tang không còn trở nên gò bó như xưa. Nhiều gia đình có thể xin xả tang sau 49 ngày, tức hoàn thành lễ chung thất. Một số xin mãn tang liền, sau nghi thức hỏa táng hoặc địa táng. Lý do là họ xem việc để tang không mấy may mắn trong công việc và cuộc sống thường ngày như thi cử, khai trương cửa tiệm, đi xa, cưới hỏi,…

Trong nhịp sống hiện đại, thời gian để tang sẽ được linh động và có sự thay đổi nhất định. Do đó, tùy vào ý muốn của tang quyến, việc xả tang sớm hay theo đúng phong tục cũng không phải là lỗi đạo, là sai trái.

Nhiều người cho rằng, xin xả tang sớm là một sự bất kính và không tỏ lòng tôn trọng, tôn kính với người đã khuất, nhất là với ông bà cha mẹ. Song, việc hiếu thảo hay không nằm ở lòng người, không phải qua tang chế bởi đây cũng chỉ là hình thức lễ nghi, biểu lộ tấm lòng của con người mà thôi!

Những điều cần kiêng kỵ khi chưa xả tang

1. Cưới hỏi, đám tiệc

Cưới hỏi là tiệc vui của một đời người và là ngày lễ nghịch với đám tang. Do đó, khi gia đình chưa hết thời gian mãn tang thì không nên cưới hỏi để tránh bị người khác đánh giá là không tròn chữ hiếu, thiếu đi lòng thành kính và thương tiếc với người đã khuất. Về mặt tâm linh, tổ chức đám cưới hay tiệc cưới vào trong khi còn để tang sẽ ảnh hưởng nhiều đến hôn nhân của gia đình gia chủ sau này.

Đám cưới là một ngày vui, đối nghịch với khoảng thời gian để tang
Đám cưới là một ngày vui, đối nghịch với khoảng thời gian để tang

2. Khai trương

Khai trường là lễ quan trọng của con người, mang ý nghĩa chúc mừng và đạt được nhiều thành công trong kinh doanh nên cũng không nên tổ chức trong thời gian để tang. Nếu phải thực hiện trong thời gian này thì nên làm nhỏ, không nên tổ chức linh đình bởi theo quan niệm, việc làm này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp, công việc sau này của gia chủ.

3. Chúc Tết mùng 1

Chúc Tết trở thành thông lệ và văn hóa của người Việt Nam với ý nghĩa mang đến nhiều điều tốt lành cho gia chủ. Tuy nhiên, nếu gia đình đang để tang thì không nên chúc Tết bởi theo quan niệm, khi còn chịu tang, gia đình sẽ khoác lên một màu áo xám và đó là màu xui rủi. Nếu chúc Tết sẽ mang đến xui rủi cho người khác.

Qua nội dung trên, bạn đã biết xả tang là gì rồi đúng không? Việc tìm hiểu về thời gian mãn tang và những điều kiêng kỵ khi chưa xả tang sẽ giúp bạn tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trong hôn nhân và khai trương.

Tham khảo:

5/5 - (1 bình chọn)