So với các vùng miền khác, phong tục đám ma miền Bắc có phần kỹ lưỡng và trang nghiêm hơn với nhiều lễ nghi, nghi thức dành cho người mới mất. Vậy, đám ma ở miền Bắc được diễn ra như thế nào?
Tìm hiểu về phong tục đám ma miền Bắc
Đám ma là thời điểm người thân, họ hàng, bạn bè, hàng xóm tiễn đưa người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng. Với người miền Bắc thì đó là thời điểm người mất đứt đoạn hồng trần, xa lìa người thân nên không khí tang lễ luôn đậm mùi u uất, thê lương. Do đó, phong tục đám ma của người dân vùng này luôn rất trang nghiêm và tôn kính với các nghi lễ như sau:
Lễ mộc dục (tắm rửa)
Lễ này còn được gọi là lễ chăm sóc thân thể của người thân mới mất trước khi đưa vào quan tài. Trong nghi lễ này, nếu người mất là cha, con trai sẽ là người tắm rửa và ngược lại, nếu mẹ mất thì con gái trưởng sẽ tắm rửa. Họ sẽ dùng nước ấm và nước ngũ hương để tắm, sau đó dùng khăn vuông nhúng nước rồi vắt khô, lau sạch toàn bộ cơ thể người mất.
Trong phong tục đám ma miền Bắc, khi thân thể người chết đã được lau sạch, người thân sẽ tiếp tục dùng lược chải tóc và buộc bằng dây vải, sau đó dùng dao cắt móng tay, móng chân cho người mất và mang toàn bộ móng đã cắt được cất vào một chiếc khăn để chôn chung cùng người chết. Các vật dụng liên quan đến người mất như quần áo, chăn màn, đồ dùng hàng ngày cũng được chôn hoặc hỏa táng chung với người chết.
Lễ ngậm hàm
Người phương Đông luôn quan niệm trên đường về nơi chín suối, người thân rất dễ gặp phải những ma quỷ khác nhau trên đường và muốn tước đoạt vong linh của họ. Do đó, người miền Bắc sẽ thực hiện nghi lễ ngậm hàm với ý nghĩa xua đuổi những tà ma gây hại cho người thân của họ.
Để làm nghi lễ ngậm hàm, tang chủ sẽ sử dụng gạo nếp xát sạch và dùng 3 đồng tiền (vàng hoặc ngọc trai) để tra bên phải, trái và giữa miệng của người mất. Trước khi đổ gạo nếp và tiền vào quan tài, người chấp sự sẽ quỳ xuống và xướng câu “Sơ phạn hàm, tái phạn hàm và tam phạn hàm”. Sau mỗi cụm nói, tang chủ sẽ tra gạo và tiền vào.
Khi đã hoàn thành nghi lễ, gia chủ sẽ bóp miệng người mất lại và phủ tấm vải như trước.
Lễ khâm liệm
Lễ khâm liệm (nhập quan) là nghi thức quan trọng nhất trong phong tục đám ma miền Bắc. Khi khâm liệm, tang chủ cần kèm thêm bát cơm với quả trứng đặt giữa hai cây đũa bông cắm thẳng và có một nải chuối để cắm nhang. Theo quan niệm, nghi thức này có ý nghĩa bày tỏ công ơn dưỡng dục, sinh thành của người đã khuất, đồng thời cảm ơn trời đất. Nải chuối mang thuộc tính âm với ý nghĩa dùng âm để tiễn vong linh người mất được ra đi thanh thản.
Lập bài vị
Sau nghi lễ nhập quan, tang chủ sẽ lập bài vị cho người đã mất. Bài vị có thể được làm từ gỗ như gỗ tràm, gỗ mít, gỗ sồi hay làm từ các chất liệu giấy. Kích thước bài vị cũng vô cùng đa dạng, tùy vào mỗi gia đình.
Lễ thành phục
Nghi lễ này còn được gọi là lễ đáp lễ, tức con cháu phải mặc tang phục và lạy trả những khách đến viếng thăm, phúng điếu để bày tỏ lòng biết ơn và thành kính.
Một số lưu ý về phong tục đám ma miền Bắc
Khi thực hiện phong tục đám ma miền Bắc, tang chủ cần phải chú ý đến những điều sau để quá trình phát tang được diễn ra thận trọng, tôn nghiêm và thành kính:
- Những người trùng tuổi với người mất cần phải tránh mặt trong đám tang bởi theo quan niệm, những ai cùng tuổi sẽ dễ bị nhập, ảnh hưởng đến dương khí của người đó.
- Người yếu bóng vía hạn chế tham dự đám tang vì dễ bị ảnh hưởng tâm lý (có thể nhìn thấy vong hồn người mới mất).
- Phụ nữ mang thai không nên có mặt ở đám tang, nhất là lúc thực hiện nghi lễ nhập quan để tránh ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
- Lúc khâm liệm, người thân không nên khóc bởi như thế, người mất sẽ lưu luyến, không muốn ra đi, còn con cháu sẽ khó làm ăn hay phát triển sự nghiệp sau này.
- Nếu người mất chết vào giờ xấu thì thầy cúng sẽ dán các vật dụng cần thiết lên áo quan và bổ sung thêm quyển lịch đỏ để đàn áp ma quỷ, đồng thời hỗ trợ người mất về nơi an nghỉ cuối cùng, tránh hiện tượng “quỷ nhập tràng” hay “trùng tang”.
Như vậy, có thể thấy, phong tục đám ma miền Bắc phức tạp và chú trọng nhiều về nghi lễ hơn so với phong tục đám ma ở miền Trung và miền Nam. Điều này xuất phát từ lối sống kỹ tính, văn hóa ứng xử và chú trọng vào cách thực hiện nghi lễ của người miền Bắc. Vì vậy, “nhập gia tùy tục”, khi sống ở miền Bắc Việt Nam, tang chủ cần thực hiện các lễ nghi, nghi thức đám tang thật trang nghiêm, chỉn chu để đưa người mất đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Tham khảo: