Nếu như khởi tang là phần mở đầu thì hạ huyệt chính là phần kết thúc trong nghi thức tang lễ. Vậy, hạ huyệt là gì? Cần biết gì về lễ hạ huyệt? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây.
Hạ huyệt là gì? Đất làm huyệt mộ phải như thế nào?
Tìm hiểu về hạ huyệt
Hạ huyệt là một nghi lễ trong đám tang theo hình thức mai táng (địa táng). Nghi lễ này được tiến hành khi linh cữu của người mất được đưa đến khu vực an táng và bắt đầu chôn cất. Đây cũng là giai đoạn cuối cùng của tang lễ, là khoảnh khắc gia đình đưa thân xác của người mất xuống huyệt mộ đã được chôn sẵn để yên giấc ngàn thu.
Chọn đất làm huyệt mộ phải như thế nào?
Người xưa chọn đất mai táng rất kỹ vì cho rằng, đất đai an táng người mất sẽ ảnh hưởng đến sự hưng thịnh, phát đạt trong công việc làm ăn của dòng họ, con cháu về sau. Do đó, những gia đình giàu có thường tìm đến thầy phong thủy có tiếng để chọn đất đào huyệt, thậm chí xây sẵn mộ phần lúc còn chưa mất để khi qua đời, con cháu không chọn bừa một ngôi đất để làm huyệt mộ.
Theo người xưa, một ngôi huyệt tốt phải là những mô đất cao – thấp tượng trưng cho ao nước, án huyệt, tay long, tay hổ. Phía trước huyệt có “minh đường thủy tụ”, sau huyệt có “long mạch thu thúc”, bên ngoài có “bàng sa triều củng” và cốt phải có “tụ khí tàng phong”. Song, vào thời buổi tấc đất tấc vàng hay các quy định về đất ngày càng chặt chẽ, việc chọn huyệt mộ không còn tùy ý như trước mà phải có quy hoạch. Do đó, các vấn đề phong thủy vì thế cũng không được xem kỹ như trước.
Trong quá trình chọn huyệt mộ, huyệt hung táng không được chú trọng bởi đó chỉ là tạm thời. Người ta thường có xu hướng chọn huyệt cải táng – ngôi nhà vĩnh viễn của người đã khuất. Bên cạnh đó, gia chủ cũng cần phải làm Lễ cáo long thần thổ công với văn khấn trước khi hạ huyệt như sau:
“Kính lạy Bản cảnh hậu thổ thần linh chư vị:
Xin kính cáo: Hôm nay là ngày…tháng…năm…tang chủ là… người xã….huyện…tỉnh…
Nay có táng cố phụ (cố mẫu) là họ…tên…., húy…., thọ chung ngày…ở khu đất này, kính dâng lễ vật…lễ nghi các thứ.
Thiết nghĩ: đất có dữ lành, đều do họa phúc. Kết phát dựa vào âm đức. Cũng nhờ thần lực hiển linh. Ấy thực thường tình. Xiết bao cảm cách. Những mong mồ yên mả đẹp. Vậy dâng lễ bạc lòng thành. Nhờ ơn đại đức. Thấu nỗi u tình. Khiến cho vong linh được yên nơi chín suối. Phù hộ dương trần con cháu nội ngoại bình yên.
Cẩn cáo”.
Nghi thức làm lễ hạ huyệt
Trước khi làm lễ hạ huyệt, gia chủ cần phải xin phép Thổ thần được mai táng người mất tại đây với lễ cúng gồm rượu, trầu, vàng, thủ lợn, hương, đĩa xôi hoặc chân giò, gà,… Các lễ vật này được bày trên án đặt theo chiều có lợi với người làm lễ là đại diện tang chủ. Nhà nào không có điều kiện chuẩn bị đầy đủ các lễ vật trên có thể chuẩn bị bầu rượu, cơi trầu và đặt trong một chiếc khay trên nấm đất ở gần đó cùng với nhang đèn, nhưng không tế Thần.
Khi lễ cúng Thổ thần đã hoàn tất thì tang gia mới được hạ huyệt linh cữu theo đúng giờ hoàng đạo. Sau đó, lá cờ minh tinh được trải lên nắp linh cữu để chôn theo người mất. Trong lễ này, người ta cũng độc điếu văn để tỏ lòng thương kính người đã khuất trước khi lấp đất. Thân nhân và bạn bè, bằng hữu quyến thuộc sẽ nắm lấy một nắm đất thả lên nắp linh cữu, tiễn đưa người mất lần cuối cùng.
Sau khi huyệt đã được xây và lấp thành mộ, gia chủ sẽ để lại những vòng hoa, hoa tươi sẽ để lại mộ, còn các đồ phúng điếu khác sẽ được treo lên tường nhà, phía trên và xung quanh bàn thờ.
Cần kiêng kỵ gì khi làm lễ hạ huyệt
Là giai đoạn cuối cùng trong nghi thức phát tang nên những người thăm viếng, thân nhân nên hạn chế làm những điều sau đây:
- Không nên mặc quần áo lòe loẹt mà chỉ chọn những màu sắc trầm tính, trung tính, tốt nhất là đen trắng để tôn trọng gia đình người đã khuất.
- Không cười nói lố lăng, ầm ỹ, chỉ trỏ, phán xét hay có hành vi bất kính với các ngôi mộ xung quanh.
- Hạn chế chụp ảnh.
- Nên xông vỏ bồ kết hoặc vỏ bước trước khi bước vào nhà để tống hết uế khi ra ngoài.
- Thực hiện di chuyển linh cữu hoặc hạ huyệt một cách nhẹ nhàng, tránh làm mạnh khiến người mất “kinh động”.
- Không quay đầu lại khi ra về sau khi hoàn tất công đoạn hạ huyệt mà chỉ nên đi một mạch về nhà.
- Không nên giữ lại hoặc sử dụng đồ vật, vật dụng của người mất như quần áo, giày dép,…
Hạ huyệt là một thủ tục vô cùng quan trọng và ý nghĩa, là một phần không thể thiếu trong tang lễ. Do đó, gia chủ cần phải tìm hiểu về nghi thức làm lễ hạ huyệt cũng như chuẩn bị các đồ cúng chu đáo để có thể tiễn đưa người thân về nơi an nghỉ cuối cùng.
Bài tham khảo: