Giỗ đầu: Những điều cần biết trong văn hóa giỗ đầu của người Việt

Khi một người trong gia đình qua đời được một năm, người thân sẽ tiến hành nghi thức giỗ đầu. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Giỗ là một buổi lễ hay nghi thức được tổ chức dựa trên phong tục, tập quán của người Việt nhằm tưởng niệm, ghi nhớ những người đã mất. Theo tục lệ xa xưa, ngày giỗ được tổ chức đúng theo ngày mất Âm lịch của người được thờ cúng với ý nghĩa nhắc nhở con cháu tưởng nhớ về những người đi trước, đồng thời cũng để kết nối tình cảm của các thành viên trong gia đình, dòng họ, đặc biệt với những người đi làm ăn xa.

Giỗ đầu là ngày giỗ vô cùng quan trọng trong văn hóa Việt từ xưa đến nay
Giỗ đầu là ngày giỗ vô cùng quan trọng trong văn hóa Việt từ xưa đến nay

Giỗ đầu là gì?

Cúng giỗ là một ngày kỷ niệm ngày người thân, dòng họ qua đời và thường được tính theo Lịch Âm nhằm bộc lộ tấm lòng thương xót, thủy chung của người đang sống với những người đã khuất cũng như bộc lộ đạo hiếu với Tổ tiên, dòng họ.

Với nhà giàu, ngày giỗ thường được tổ chức khá linh đình với sự góp mặt của nhiều người thân trong gia đình, dòng họ, bạn bè gần xa, bằng hữu,… Còn đối với người nghèo, họ chỉ cần cúng sống lưng cơm, quả trứng, dĩa muối, ba nén nhang, một cặp nến và vài món ăn giản dị cúng người đã khuất cũng được xem là có lòng Thành kính. Như vậy, có thể thấy, lòng thương xót, thủy chung của người sống với người mất không phụ thuộc vào giỗ lớn hay giỗ nhỏ, tiệc linh đình hay mâm cơm đơn giản mà chỉ cần con cháu nhớ đến ngày giỗ của người mất mà thôi!

Trong những ngày giỗ này, nếu bạn bè gần xa, bằng hữu cảm thấy lưu luyến, muốn đến dự giỗ theo ngày đã định sẵn thì chỉ cần đến thắp nén nhang, cúng giỗ là được, không cần đợi đến thiệp mời như các lễ cưới, lễ mừng hay “có mời thì đến, còn không mời thì không đến”.

Khái niệm về giỗ đầu

Giỗ đầu (tiếng Hán gọi là Tiểu Tường) là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người mất được một năm, nằm trong thời kỳ để tang (hay còn gọi là tang phát). Đây là một ngày giỗ vẫn còn sầu thảm, bi ai bởi dù một năm trôi qua nhưng vẫn chưa đủ để giúp người thân trong gia đình được nguôi ngoai, khuây khỏa nỗi đau buồn, xót thương với người đã mất.

Ngày giỗ đầu, người thân trong gia đình vẫn mặc tang phục như ngày phát tang
Ngày giỗ đầu, người thân trong gia đình vẫn mặc tang phục như ngày phát tang

Trong ngày này, người thân sẽ tổ chức nghi thức trang nghiêm không kém gì với ngày phát tang một năm trước. Lúc này, con cháu vẫn phải mặc tang phục. Vào thời điểm tế lễ và khấn Gia tiên hay đọc bài cúng giỗ đầu, người thân của người đã mất cũng khóc như ngày đưa tang cách đó một năm. Những gia đình có điều kiện sẽ thuê thêm cả đội kèn trống khi tiến hành nghi thức.

Nghi thức thực hiện ngày giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Những việc cần chuẩn bị trước ngày giỗ đầu

Trước ngày cúng giỗ, mỗi gia đình sẽ thực hiện các công việc khác nhau. Nhưng thông thường, các gia đình Việt sẽ thực hiện các công việc dưới đây:

  1. Họp gia đình và bàn bạc về các món ăn cúng giỗ đầu, sau đó phân công công việc cho từng thành viên.
  2. Mời họ hàng, bà con hàng xóm, bạn bè, bằng hữu của người mất.
  3. Đi chợ, mua trước các nguyên liệu để lên món.
  4. Mượn bát đũa, xoong nồi từ người quen, hàng xóm (nếu trong nhà không đủ vật dụng).
  5. Dựng rạp, sắp xếp bàn ghế (nếu gia đình có khuôn viên hay khoảng sân rộng).
  6. Tính toán số tiền góp giỗ của mỗi thành viên trong gia đình hay họ hàng.

Sắm lễ

Việc sắm mâm lễ không quy định cho tất cả các khu vực ở Việt Nam mà sẽ tùy thuộc vào từng vùng miền khác nhau, chẳng hạn như:

  • Ở miền Bắc, mâm lễ mặn vào ngày giỗ thường có các món quen thuộc, gồm gà luộc, xôi, giò, canh, cơm, nem rán,…
  • Ở miền Trung, mâm lễ mặn thường được sắm sửa cầu kỳ hơn với thịt vịt, thịt gà, các món cá hoặc canh bún, tôm nem chả.
  • Ở miền Nam, mâm lễ mặn thường đầy đủ bốn món xào, thịt luộc, hầm, kho (kho thịt heo, thịt ba chỉ, đồ lòng xào rau cải,…).
Mâm cúng ngày giỗ đầu cần được chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ với các món dễ ăn
Mâm cúng ngày giỗ đầu cần được chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ với các món dễ ăn

Dù có sự khác biệt về các mâm lễ trong ngày giỗ nhưng khi cúng, các món ăn phải là món dễ ăn, quen thuộc, phù hợp với văn hóa của từng vùng miền và được bài trí gọn gàng, sạch sẽ để phù hợp với sự tôn nghiêm trong nghi thức cúng giỗ nói riêng và tâm linh nói chung. Bên cạnh đó, trong ngày này, gia chủ nên thực hiện một số hành động sau:

  • Cúng hoa, quả, phẩm oản, thắp nhang.
  • Đốt giấy tiền vàng mã và các vật dụng hàng mã như nhà cửa, quần áo, xe cộ và một hình nhân cho người đã khuất.

Lưu ý: Hình nhân ở đây không phải là thế mạng người còn sống. Theo quan niệm tâm linh, các thầy phù thủy đã sử dụng phép thuật để hóa hình nhân này thành người thật, đưa người đó xuống Âm giới để hầu hạ cho người mất.

Khi mua về, gia chủ sẽ mang những đồ lễ cúng trên bàn thờ, sau đó mang ra ngoài mộ của người đã mất để đốt. Trừ hình nhân, các đồ vàng mã được xem như là những đồ lễ biếu các Ác thần để họ không quấy nhiễu người quá cố và gia tiên.

Sau khi đã tạ lễ và đốt giấy tiền vàng mã, vật dụng xong, gia chủ sẽ bày cỗ bàn và mời bà con, họ hàng ăn giỗ. Khách đến ăn giỗ có thể không mặc trang phục theo màu sắc trắng hoặc đen như khi phát tang nhưng vẫn cần có sự trang nghiêm. Sau ngày này, người ta sẽ tiến hành sửa lại mộ cho người quá cố, nhưng vẫn để thi hài nằm dưới huyệt.

Có thể thấy, ngày giỗ đầu trong văn hóa của người Việt vô cùng quan trọng bởi nó vẫn còn nằm trong ngày để tang. Do đó, vào những ngày này, gia chủ cần thực hiện theo đúng nghi thức để thể hiện lòng tưởng nhớ, thương tiếc đến người đã khuất.

Tham khảo:

Rate this post