/ Ng Yi He: Thực tập sinh Phòng Chăm Sóc Tinh Thần & Nghi Lễ và Quản Trị Văn Hóa thuộc NV Care
Cái chết là điểm đến không thể lường trước đối với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, có một sự thật rằng chúng ta không hề e sợ như những gì chúng ta nghĩ. Chúng ta vẫn tiếp tục với cuộc sống thường nhật, suy ngẫm về món ăn cho bữa tối và về lý do tại sao mọi nẻo đường lại trở nên chật kín. Vì thế, chúng ta luôn cảm nhận rằng cái chết là một điều gì đó xa vời, nhưng cũng không xa như những bữa ăn hay con đường trước mặt chúng ta. Chúng ta đã quá đỗi quen thuộc với việc sống hết mình, nhưng đã bao lâu rồi kể từ lần cuối cùng chúng ta ngồi xuống, suy ngẫm và đón nhận cái chết, cũng như bàn luận về nó?
Khóc thương trước cái chết – Liệu có thật sự cần thiết?
Tôi đã từng trải qua nhiều lần chứng kiến những người thân yêu trong cuộc đời mình mất đi, và đều xảy ra trong suốt những năm học tiểu học của tôi. Bà ngoại tôi đã qua đời khi tôi chỉ vừa 6 tuổi, sớm hơn 1 tháng trước bài kiểm tra UPSR và em trai tôi lúc đó chỉ mới 1 tháng tuổi. Bởi vậy, tôi đã bị buộc phải ở lại Melaka và đã không trở về nhà bà ngoại tôi cho buổi trực canh thi hài bà tôi. Có thể tôi đã không thực sự hiểu được ý nghĩa của sự sống và cái chết lúc bấy giờ, và điều hối tiếc duy nhất của tôi lại không phải là về việc trở về nhà bà ngoại tôi đó, mà đó là phải đến trường và tham gia những lớp học buồn chán. Tôi đã nghĩ rằng buổi trực canh đã có thể là một cơ hội tốt để tôi không phải đi học; chí ít thì tôi cũng không phải tiếp tục việc học.
Khi tôi nghĩ về đám tang của bà ngoại, tôi chợt nhận ra rằng để một ai đó cảm thấy xót thương cho một người đã mất là phụ thuộc vào mức độ gần gũi giữa họ. Bà ngoại tôi đã luôn ở cạnh gia đình người cậu cả của tôi, vì thế bà ấy được tiếp xúc với những anh chị em họ nhiều hơn. Tôi không biết nhiều về tiếng Phúc Kiến, do đó khả năng giao tiếp của tôi với bà ấy cũng có phần hạn chế. Tôi cũng đã không hề khóc trong suốt lễ tang, và thậm chí cả trong lễ hỏa táng; thế nhưng, vào thời điểm đó có tồn tại một quan niệm kỳ lạ rằng những ai không khóc trong lễ tang thì bị xem là bất hiếu. Bởi định kiến như vậy mà tôi đã phải trốn ở một góc vì tôi sợ rằng bản thân sẽ bị phát hiện.
Trong tình cảnh phải đối mặt với sự mất mát về người thân và bạn bè, liệu chúng ta chỉ có thể bày tỏ sự tiếc thương cho những người quan trọng đối với chúng ta thông qua những giọt nước mắt? Vì có rất nhiều cách để tạo dựng một mối quan hệ tốt với nhau trong suốt quãng đời, chúng ta cũng nên học cách bày tỏ cảm xúc của mình đối với việc họ mất đi bằng nhiều cách khác nhau; thay vì là chỉ ép buộc mọi người phải khóc than để được xem là tỏ lòng hiếu thảo, mà đó là một sự cường điệu quá mức.
Suy ngẫm về tang lễ của bản thân
Anh/chị đã có bao giờ dành một khoảnh khắc trầm lặng nào đó để suy nghĩ thấu đáo về cái chết và buổi lễ tang của chính chúng ta chưa? Mỗi khi tôi ngồi xuống để suy ngẫm về cái ngày mà tôi giã từ cuộc sống này, tôi thắc mắc rằng liệu tâm thế của mình sẽ như thế nào vào thời điểm đó. Khi tôi nghĩ về nó, tôi cho rằng điều thiêng liêng nhất đó là có thể sống tốt kể cả khi đã già cả; có thể chết đi một cách thanh thản trong giấc ngủ, và không phải trải qua bất kỳ sự ốm đau nào cũng là một điều mà tôi mong muốn nhất.
Ở đám tang của tôi, tôi không muốn gia đình và bạn bè tôi phải khóc. Tôi muốn họ cùng ngồi lại và cất tiếng cười vào những điều xấu hổ mà tôi đã từng làm trong đời mình và đây thực sự là điều mà tôi mong muốn. Nếu có thể, tôi muốn những bài hát mà tôi thích được bật lên ở đám tang của tôi, thay vì những bài hát lạ lẫm, cường điệu và có phần ướt át. Chúng ta có thể dành thời gian để tưởng tượng ra viễn cảnh của những buổi lễ nghi thức tang lễ và cả những chi tiết về âm nhạc lúc đó, và từ đó chúng ta có thể kĩ lưỡng vạch ra kế hoạch tổ chức buổi lễ hoàn chỉnh theo như những gì chúng ta muốn.
Tôi nghĩ rằng việc suy ngẫm về cái chết của một ai đó là một trải nghiệm thú vị; bất kỳ ai cũng có thể thử mường tượng như vậy và thông qua đó, anh/chị sẽ biết được đâu là điều mình thực sự muốn và điều mình không muốn.
Cái chết là một dạng của sự hối hận
Nếu tôi chết đi vào thời khắc hiện tại, liệu tôi vẫn còn có thể an tâm mà chấp nhận nó không? Đây là câu hỏi thứ hai khi tôi suy ngẫm về cái chết. Nỗi sợ về cái chết của mọi người bắt nguồn từ sự hối hận về một cuộc sống không trọn vẹn và những mối quan hệ chưa được giải quyết thỏa đáng. Đó là điều khiến tôi luôn thắc mắc rằng tại sao xã hội ngày nay luôn gợi nhắc việc chúng ta phải đối mặt với cái chết với tâm trạng bình tĩnh, mà đây là điều tôi không hề đồng ý. Tôi nghĩ rằng cái chết là một dạng của sự hối hận, đối với cả người sống lẫn người chết. Ở từng giai đoạn của cuộc sống, mỗi người đều có những niềm hối hận và những mối quan hệ riêng biệt. Trong bối cảnh đó, việc con người cảm thấy buồn phiền về cái chết cũng không phải là một điều lạ kỳ bởi cũng rất khó để che giấu đi nỗi u sầu đó, cũng như để chúng ta dễ dàng giải tỏa nó nếu chúng ta không thể kìm nén được.
Sẽ không có một cách thức đối mặt với cái chết nào là hoàn toàn đúng đắn, bởi vì nó sẽ thay đổi theo từng cá nhân riêng biệt, và họ có thể bày tỏ cảm xúc của mình theo những cách bất kỳ. Việc suy ngẫm và đối mặt với cái chết là thói quen mà chúng ta cần phải thực hành ở bất kỳ lúc nào trong suốt cuộc đời mình. Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta thật sự biết thêm về bản thân. Trong vòng 1 hoặc 5 năm tới, hoặc thậm chí là nhiều năm về sau, chúng ta sẽ có những dự định và lý tưởng khác nhau, và chúng ta có thể trở nên khác biệt cũng như đã đáp ứng được những điều mà chúng ta đã từng hối tiếc.
Khi suy ngẫm và đối mặt với cái chết, chúng ta có thể nhìn thấy điểm đích của cuộc sống này và trở nên quý trọng cuộc sống này, cũng như hạnh phúc trong mỗi khoảnh khắc sống ngập tràn tình yêu thương xung quanh chúng ta nhiều hơn.
Chúng ta tuy có thể kính trọng cái chết nhưng chúng ta không nên sợ hãi trước nó; thay vào đó, chúng ta nên tìm cách để hiểu về nó hơn bởi vì đây là lễ tốt nghiệp cuối cùng trong cuộc đời của chúng ta.
Phòng Chăm Sóc Tinh Thần & Nghi Lễ và Quản Trị Văn Hóa thuộc NV Care
Phòng Chăm Sóc Tinh Thần & Nghi Lễ và Quản Trị Văn Hóa thuộc NV Care bao gồm các hoạt động như sau: tổ chức nghiên cứu về ảnh hưởng và sự phát triển của văn hóa Trung Hoa trong phạm vi xã hội Malaysia, tập trung vào nguồn gốc của văn hóa lễ tang trong xã hội, mượn lại và thích nghi với nền văn hóa cổ đại, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình tiến hóa, thâm nhập sâu và mở rộng dịch vụ chăm sóc về tang lễ của Nirvana.
Lược sử tác giả:
Ng Yi He là một thực tập sinh tại Phòng Chăm Sóc Tinh Thần & Nghi Lễ và Quản Trị Văn Hóa thuộc NV Care, và hiện đang theo học tại Khoa Ngôn Ngữ & Văn Học Tiếng Hoa của Trường Đại học New Era. Anh có niềm đam mê về các hoạt động ngoại khóa và thích tìm hiểu về những chủ đề thú vị trong những giây phút rảnh rỗi, và cũng mang trong mình rất nhiều ý tưởng mới lạ.